Có bao giờ bạn để ý rằng con mình muốn tự làm những việc trong khả
năng, hoặc bạn thấy rằng nên để con tự làm những việc con có thể làm? đó
là cách nhanh nhất để con học hỏi và nhanh chóng trưởng thành. Loạt bài
Dạy con đúng cách - Để trẻ tự chăm sóc bản thân là những ý tưởng về
việc để trẻ tự lập, tự trải nghiệm ngay từ những năm tháng đầu đời dưới
sự giám sát của bố mẹ, để trẻ có được những cảm giác chân thật nhất,
giúp cho sự phát triển của trẻ được toàn diện và đầy đủ. Dưới đây là
phần 2 của chuỗi bài nuôi dạy trẻ đúng cách.
7. Tự vệ sinh cá nhân
Với những vật dụng phù hợp và sắp xếp vừa với tầm với của trẻ, trẻ có thể tự làm vệ sinh cá nhân được. Trên một cái giá kệ thấp, để một chiếc lược, một chiếc bàn chải và nếu có thể thì thêm một cái giỏ nhỏ đựng kẹp và bờm tóc. Phía bên trên của cái giá, chúng ta gắn một cái gương.
Cũng trên cái giá đó, hãy để một chiếc cốc cùng với kem và bàn chải đánh răng. Ở đây, sự hợp tác là rất quan trọng: Trẻ cầm bàn chải và chúng ta sẽ bóp nhẹ để lấy kem đánh răng, sau đó lần lượt thay nhau đánh răng. Chúng ta để cho trẻ làm trước, sau đó, khi đến lượt mình, chúng ta nhẹ nhàng đặt tay lên tay của trẻ để hướng dẫn. Sau đó lại để đến lượt trẻ - nếu trẻ tỏ ra muốn làm.
Nếu trẻ từ chối hợp tác, chúng ta có thể chuẩn bị cho trẻ một cái đồng hồ cát để tính thời gian (sự chú ý của trẻ sẽ bị chuyển hướng) hoặc một bài đồng dao nhỏ hát trong khi đánh răng để khuyến khích trẻ.
Sau khi vui chơi, cần tập cho trẻ thói quen tự vệ sinh cá nhân
8. Tập Đánh giày
Khi chúng ta trang bị cho trẻ các phương tiện để chăm sóc đồ dùng của mình, trẻ sẽ sung sướng vì có được sự tin tưởng của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta có thể đề nghị trẻ lau sạch đôi giày của trẻ. Để làm được việc này, cần phải chuẩn bị nhiều thứ cần thiết: một tờ báo để trải trên bàn, một chiếc bàn chải, một cái giẻ lau sạch và khô, một hộp xi nhỏ không màu.
Chúng ta sẽ hướng dẫn trẻ cách đặt một bàn tay vào trong chiếc giày, tay còn lại chải giày để loại bỏ vết bẩn như thế nào. Sau đó, chúng ta dùng giẻ lau bôi xi lên, để cho chiếc giày đó khô trong khi trẻ thực hiện với chiếc giày thứ hai. Sau đó, chúng ta chỉ cho trẻ cách dùng giẻ lau để đánh bóng giày. Có thể trẻ muốn tiếp tục làm việc đó với những chiếc giày khác. Vậy là trẻ học được cách chăm sóc đồ dùng cá nhân của mình, và chăm sóc cho cả những người xung quanh.
9. Bài học về sự sạch sẽ
Đây là một công đoạn đòi hỏi phải có sự chú ý của bố mẹ và chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết, đồng thời là sự hợp tác to lớn đầu tiên giữa trẻ và người lớn. Ngay khi trẻ có thể đứng được, chúng ta sẽ thay bỉm cho trẻ trong tư thế này. Như vậy, trẻ có thể tham gia vào việc thay bỉm: cởi bỉm ra, bỏ bỉm đi, mặc một cái bỉm sạch vào.
Cần phải chú ý tới những dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng khởi động cho bài học này, bởi vì trẻ rất cần sự ủng hộ và kiên trì của chúng ta. Giai đoạn nhạy cảm này nằm trong độ tuổi khoảng mười hai đến mười tám tháng. Nếu chúng ta để nó trôi qua mất, việc học cách sử dụng các đồ dùng vệ sinh sẽ trở nên khó hơn.
Khi bài học này bắt đầu, trong nhà vệ sinh hoặc phòng tắm, chúng ta chuẩn bị một góc dễ chịu với một cái bô, một cái giỏ bên trong đựng vài quyển sách, giấy vệ sinh, một cái quần lót sạch. Sau đó, chúng ta thường xuyên đề nghị trẻ đi đến chỗ cái bộ để tạo lập các điểm mốc và thói quen đi vệ sinh trước các bữa ăn, trước khi nghỉ trưa, trước khi đi ngủ, trước khi ra khỏi nhà. Trong quá trình quan sát trẻ, chúng ta sẽ biết rõ hơn thời điểm nào phù hợp cho trẻ làm việc đó và chúng ta sẽ nhắm vào đúng thời điểm đó thường xuyên hơn. Như vậy, trẻ sẽ thiết lập được mối liên hệ giữa cảm giác và kết quả trong bô. Trẻ sẽ nhanh chóng đòi chúng ta không đóng bỉm nữa hay đòi đi ngồi bô. Trẻ cũng sẽ hiểu được rằng cần phải dừng một hoạt động nào đó để đi vệ sinh.
Khi bài học đã bắt đầu, chúng ta phải có mặt ở đó và thật kiên trì. Nếu như bài học được thực hiện trong thời kỳ nhạy cảm, trẻ sẽ nhanh chóng biết giữ sạch sẽ cả ngày và tự giác đi vệ sinh.
Hãy tập cho trẻ sự sạch sẽ
10. Làm sao để trẻ không bị quên sau khi học?
Trẻ cần sự hiện diện và kiên trì của chúng ta. Trẻ có thể làm được rất nhiều việc, nhưng cũng dễ dàng quên đi một số việc đã làm, trẻ bị cuốn hút vào việc khác hoặc trẻ từ chối làm những việc đó để khẳng định quyết tâm của mình.
Việc xây dựng thói quen là cách thức tuyệt vời để giúp trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Khi đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của trẻ, những công việc đó sẽ dễ dàng được trẻ chấp nhận và chúng ta ít phải thuyết phục trẻ làm hơn. Mặc dù vậy, trẻ vẫn cần được nhắc nhở chút xíu, sự nhắc nhở đó có thể được thể hiện bằng hình ảnh. Đối với những thói quen buổi tối, chẳng hạn vào khoảng thời gian trước khi đi ngủ, chúng ta có thể chuẩn bị một loạt hình ảnh, dán trong phòng tắm: 1 - Đánh răng. 2 - Đi vệ sinh. 3 - Rửa tay và rửa mặt... Điều đó giúp chúng ta không phải theo sát để nhắc nhở trẻ những việc mà trẻ phải làm. Trẻ sẽ thích thú với sự trợ giúp của những hình ảnh đó.