19/10/2023
Có bao giờ bạn để ý rằng con mình muốn tự làm những việc trong khả năng, hoặc bạn thấy rằng nên để con tự làm những việc con có thể làm? đó là cách nhanh nhất để con học hỏi và nhanh chóng trưởng thành. Loạt bài Dạy con đúng cách - Để trẻ tự chăm sóc bản thân là những ý tưởng về việc để trẻ tự lập, tự trải nghiệm ngay từ những năm tháng đầu đời dưới sự giám sát của bố mẹ, để trẻ có được những cảm giác chân thật nhất, giúp cho sự phát triển của trẻ được toàn diện và đầy đủ. Dưới đây là phần 1 của chuỗi bài nuôi dạy trẻ đúng cách.

1. Hãy để trẻ tự lập:

Bất cứ khi nào cảm thấy bé đã sẵn sàng, chúng ta hãy tạo điều kiện để trẻ được tự chăm sóc bản thân như: Chải đầu, đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo,... Để làm được việc
đó, chúng ta cần phải sắp xếp lại ngôi nhà một chút. Được tự chăm sóc bản thân như vậy, trẻ sẽ bình tĩnh và không cần phải đấu tranh để ý muốn tự làm việc của mình được người lớn ghi nhận..

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thói quen thay trẻ làm tất cả mọi việc. Việc lau rửa, mặc quần áo, đi giày cho trẻ giúp mọi thứ được thực hiện nhanh chóng, nhưng lại không thực sự tốt đối với trẻ. Trẻ sẽ luôn cho rằng: “Mình cần đến bố mẹ.” Trong khi điều chúng ta mong muốn là con chúng ta có niềm tin vào khả năng tự chăm sóc bản thân của mình.
Khi làm những việc này, chúng ta hãy nghĩ tới tính tự lập của trẻ: “Liệu mình có tước đi của con một bước mà bé có thể tự làm được một mình chăng?” Đừng viện cớ là trẻ vẫn còn cần được giúp đỡ mà từ chối mong muốn được tự lập của trẻ. Chính vào giai đoạn này, khi mà những hành động thường ngày còn quá khó đối với trẻ, thì cũng là lúc trẻ thể hiện mong muốn được tham gia vào những hoạt động đó. Thành công của những hoạt động này dựa trên sự hợp tác: Chúng ta phải đánh giá cao sự hợp tác này, cảm thấy hứng thú với việc đó và ủng hộ trẻ.

Dạy con đúng cách - Hãy để con tự lập

2. Hãy sắp xếp lại ngôi nhà để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tự làm những việc trong khả năng.

Để trẻ thực hiện được những hoạt động rất đơn giản như rửa tay hay chải đầu, chúng ta phải xem xét lại cách sắp xếp trong ngôi nhà. Trong vòng một ngày, hãy quan sát trẻ và xem xét những điều trẻ có thể tự mình làm được mà không cần sự trợ giúp, và hãy thay đổi môi trường theo chiều hướng đó.
Chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá thấp khả năng thực sự của trẻ, nhưng chính trong quá trình để trẻ làm việc và quan sát trẻ, chúng ta sẽ nhận ra những thứ mà trẻ thực sự có khả năng thực hiện được. Việc sắp xếp này đối với chúng ta là những thay đổi nhỏ, đối với trẻ lại là những bước tiến lớn: “Con quyết định đi rửa tay, con có thể tự làm được việc đó.” Như vậy, trẻ đã lựa chọn và có thể hành động. Trẻ đã lớn thêm với tư cách là người có khả năng và có trách nhiệm, và trẻ biết rằng bố mẹ dành cho mình sự tin tưởng. Đó là nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này của trẻ.

Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là xem xét kỹ càng lại ngôi nhà và những hoạt động thường ngày của trẻ, để thấy được cái mà trẻ có thể tự làm với chỉ một chút xíu giúp đỡ về đồ dùng như: một chiếc ghế để kê chân, một cái móc vừa với chiều cao của trẻ, một cái giá kệ mà trẻ có thể với tới được, một cái giẻ lau và một miếng bọt biển.
Lập một danh sách cần thay đổi và không đột ngột thay đổi tất cả. Trẻ cần có thói quen và những thay đổi khiến trẻ cảm thấy bất ổn. Chúng ta dần dần đưa những thay đổi này vào, cái này nối tiếp cái kia, cho đến khi trẻ quen với điều đó.

3. Để trẻ Tự mặc quần áo

Ngay từ khi trẻ bắt đầu biết tiếp nhận kiến thức, chúng ta nên mô tả cho trẻ cái mà chúng ta sẽ làm, để trẻ có thể chuẩn bị cho việc đó. Sau đó, chúng ta dần dần yêu cầu trẻ làm và chờ đợi một sự hưởng ứng, như vậy trẻ sẽ có thể tham gia ngay khi trẻ cảm thấy có khả năng làm được. Ví dụ, khi đi giày cho trẻ, chúng ta có thể mô tả các động tác của mình: “Mẹ mở chiếc giày ra và xỏ vào chân con, đút bàn chân của con vào trong đó này. ” Lần tiếp theo, trẻ có thể sẽ tự cho bàn chân của mình vào trong chiếc giày. Điều quan trọng không phải là trẻ sẽ hợp tác ngay tức khắc, mà là trẻ có cơ hội được làm việc đó vào thời điểm trẻ muốn. Và điều này có thể còn xảy ra nhanh hơn chúng ta tưởng. Thông thường, trẻ có thể tự cởi được quần áo trước khi biết tự mặc quần áo khá lâu, nhưng việc áp dụng một thói quen nào đó khi chúng ta mặc quần áo cho trẻ luôn theo cùng một thứ tự, vừa mặc vừa mô tả các động tác của chúng ta là rất cần thiết đối với trẻ. Như vậy, trẻ sẽ tham gia vào khi trẻ cảm thấy có nhu cầu làm việc đó. Để giúp trẻ tự mặc quần áo, khi sắp xếp lại ngôi nhà, chúng ta phải tính cả đến một cái ghế đẩu thấp và chắc chắn để trẻ xỏ chân vào ống quần dài, quần lót hay xỏ tất. Một lối đi thông thoáng đến chỗ lấy quần áo của trẻ cũng là điều cần thiết. Cuối cùng, việc lựa chọn quần áo cũng rất quan trọng. Chúng ta chú ý lựa chọn những bộ đồ phù hợp với khả năng của trẻ vào thời điểm đó. Một cái quần dài rộng, chun bụng, một cái áo nỉ dài tay có cổ và không có khuy hay đôi giày có khóa dính sẽ giúp cho việc mặc quần áo trở nên dễ dàng. 

4. Cho trẻ tự sắp xếp quần áo

Để đồng hành cùng trẻ hướng tới tính tự lập, chúng ta có thể để quần áo của trẻ trong một ngăn kéo hoặc tủ tường mà trẻ có thể sử dụng được. Chuẩn bị trước những cái mắc vừa với chiều cao của trẻ để treo áo khoác và một cái giỏ để đựng khăn choàng, găng tay và mũ. Bạn hãy sắp xếp những bộ quần áo theo thứ tự mặc trong một cái tủ com-mốt: Hàng trên là những bộ đồ mặc trong áo khoác, tất, áo ngắn tay và hàng dưới là quần dài, quần lót, váy dài, áo phông chui đầu chẳng hạn. Chúng ta có thể đặt những hộp chia ô trong ngăn kéo để đựng tất, quần lót, áo phông chui đầu... Trẻ sẽ dễ dàng thấy thứ mà mình đang tìm kiếm và có thể sắp xếp quần áo của mình. Khi trẻ sử dụng được ngăn kéo và có thể lựa chọn trang phục cho mình, chúng ta không nên để trong đó quá nhiều quần áo. Lựa chọn là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tư duy của trẻ, nhưng việc phải lựa chọn trong vô số phương án là rất khó khăn đối với trẻ. Khi trẻ còn quá nhỏ để tự mình lựa chọn quần áo, chúng ta có thể chuẩn bị sẵn hai bộ cho trẻ chọn, điều đó sẽ giúp trẻ giải quyết được các vấn đề về áo quần.

5. Chuẩn bị trang phục của ngày hôm sau

Buổi tối, sau khi tắm rửa, trẻ có thể chơi trò chuẩn bị trang phục cho ngày hôm sau. Để làm được việc này, cần phải có một chiếc ghế tựa (hay một cái giá để mắc quần áo). Sau khi đã lựa chọn được quần áo của mình, trẻ sẽ sắp xếp chúng theo trật tự: áo phông chui đầu ở trên lưng ghế, chân váy ở phía dưới, v.v... Chúng ta có thể hướng dẫn trẻ: “Con sẽ để đôi tất của mình ở đâu nhi? Con sẽ để chân váy của mình ở đâu nhỉ?” Hoạt động này giúp trẻ thiết lập sơ đồ cấu tạo cơ thể. Đó cũng chính là thời điểm hợp tác và thảo luận giúp trẻ làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ của mình: áo gi-lê, áo khoác, tất quần, quần bò, áo sơ mi,... Khi chúng ta tiến hành hoạt động này, tốt nhất là duy trì trong nhiều ngày để đưa hoạt động vào thói quen hàng ngày của trẻ. Khoảng bốn tuổi, trẻ sẽ có thói quen tự chuẩn bị quần áo và cảm thấy hài lòng vì có thể tự chăm sóc bản thân mình.

6. Cài khuy áo

Khi trẻ tỏ ra thích thú đối với việc mặc quần áo, chúng ta có thể cho trẻ phương tiện để luyện tập như một cái áo hoặc quần trải phẳng ra trước mặt trẻ để kéo khóa, cài khuy, ấn khóa dính... ngoài những lúc mà trẻ thực sự phải mặc quần áo. Như vậy dễ dàng hơn thực hiện trên người trẻ và điều đó giúp trẻ bình tĩnh, cố gắng khi làm việc đó cùng chúng ta. Dần dần, trẻ sẽ làm chủ được nhiều hơn các công đoạn và rồi có thể tự làm một mình được.
Chúng ta cũng có thể thực hiện những “khung mặc quần áo”: Một cái khung trống bằng gỗ và một bộ quần áo cũ, với các cạnh được gắn chắc chắn. Nhờ có học cụ này, trẻ có thể thực hiện những việc đó một cách độc lập đúng theo mong muốn của trẻ, được phép sai và được làm lại. Không có sự thúc giục cũng như bắt buộc phải thành công và trẻ sẽ tự mình làm được điều đó.

Mời các bạn xem tiếp phần 2.

Sidebar Menu
Top